TRƯỜNG THCS HOẰNG THẮNG - QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN.

Đăng lúc: 08:34:58 27/04/2018 (GMT+7)

LỊCH SỬ - TRUYỀN THỐNG - QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TRƯỜNG THCS HOẰNG THẮNG.

        Hoằng Thắng là xã gần trung tâm huyện lị Hoằng Hoá ;nằm ở khu vực phía đông nam, cách Thị trấn Bút Sơn chừng 4km với 4 làng (Làng Hồng Nhuệ; Làng Gia Hoà; Làng Hải Phúc; Làng Hoàng Trì) rất thuận tiện cho việc đi lại và sinh hoạt.
          Hoằng Thắng vốn là một vùng đất  Địa linh nhân kiệt có nền văn hoá lâu đời và phong phú. Nhân dân Hoằng Thắng từ nghìn xưa đã coi trọng việc học, sự học được xem là cái gốc cho sự phát triển của mỗi con người, từng gia đình, dòng họ, quê hương đã đúc kết thành truyền thống hiếu học của nhân dân xã nhà. Nơi đã sản sinh ra nhiều ông tú, ông cử xưa kia, nhiều nhân sĩ trí thức, tiến sĩ, giáo sư ngày nay. Trong những năm gần đây số học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng, hằng năm có từ 80 đến 100 em.
      Là một trong những địa phương từng là cái nôi của phong trào yêu nước, của quê hương cách  mạng Hoằng Hoá.  Đây chính là sự khởi đầu của bao thế hệ trong việc tạo dựng trí tuệ con người. Và cũng từ đây, mảnh đất thiêng liêng này đã có hàng nghìn thanh niên tòng quân lên đường bảo vệ tổ quốc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, hàng trăm cán bộ sĩ quan trung, cao cấp trong lực lượng vũ trang.
        Đảng bộ Hoằng Thắng có 230 Đảng viên sinh hoạt tại 15 chi bộ Đảng. Là Đảng bộ nhiều năm liên tục được thường vụ Huyện Uỷ công nhận vững mạnh xuất sắc, đơn vị dẫn đầu về phát triển toàn diện trong thời kì xây dựng và đổi mới đất nước.
        Truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết được giữ gìn và phát huy trong các phong trào thi đua lao động sản xuất xây dựng quê hương, phát triển kinh tế giữ gìn trật tự an ninh thôn xóm, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc,bảo vệ vệ sinh môi trường làng xã sạch ,đẹp, an toàn,xây dựng các làng văn hoá ngày càng văn minh phồn thịnh.
       Với đại bộ phận nhân dân sinh sống bằng nghề nông truyền thống. Trong những thập niên gần đây, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, vận dụng sáng tạo trong công tác chỉ đạo tổ chức điều hành của chính quyền xã, cơ cấu kinh tế của địa phương được phát triển đa dạng, nhiều nghành nghề khác nhau được đầu tư phát triển như các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, dịch vụ thương mại… Vì vậy mà kinh tế địa phương đã chuyển biến và phát triển mạnh mẽ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.
      Quá trình xây dựng và trưởng thành của trường THCS Hoằng Thắng gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của hệ thống giáo dục địa phương từ bậc mầm non,tiểu học, THCS, gắn liền với sự phát triển và những thành tựu to lớn của nền giáo dục nước nhà.
        Cũng như mọi ngôi trường khác trên đất nước Việt Nam, trường THCS Hoằng Thắng chỉ thực sự được xây dựng và từng bước phát triển theo nền giáo dục Cách mạng khi Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, thành lập nên nhà nước Việt nam dân chủ cộng hoà. Sau Cách mạng tháng 8/1945 đất nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn. Với nhiệm vụ lúc bấy giờ là diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Ngày 8/9/1945 Chủ Tịch Hồ chí Minh đã kí sắc lệnh thành lập nha bình dân học vụ với mục đích xoá nạn mù chữ cho nhân dân với tinh thần: Người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ, người biết chữ nhiều dạy cho người biết chữ ít.
       Thực hiện chỉ thị của Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và Uỷ ban cách mạng ban bình dân xã được thành lập. Phong trào diệt giặc dốt đã trở thành một hoạt động sôi nổi trong các thôn xóm. Đi đầu là các hội viên trong các tổ chức mặt trận thanh niên, phụ nữ. Chỉ trong một thời gian ngắn số người biết đọc chữ Quốc ngữ đạt khoảng 60%, đây cũng là tiền đề để con người Hoằng Thắng nâng tầm nhận thức và hiểu biết cống hiến trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.
        Năm 1963 Hoằng Thắng có trường cấp 2 đầu tiên bao gồm 2 lớp :lớp 5 lớp 6 . Hiệu trưởng là cô Hoàng Thị Nguyệt  quê Hoằng Lộc, hội đồng gồm có 3 thầy giáo: thầy Nguyễn Đức Cơ, thầy Phạm Văn Diễn, thầy Hoàng Văn Sáu làm giáo viên. Vì mới thành lập, cơ sở vật chất chưa có nên trường được đặt tại khu vực Bái Côi cùng chung cơ sở vật chất với trường cấp 1 Hoằng Thắng.
        Một năm sau khi thành lập, trường đã phát triển thành 5 lớp( 2 lớp 5, 2 lớp 6 và 1 lớp 7). Về cơ bản trường vẫn chung cơ sở vật chấtvới trường cấp 1 và có thêm 1 phòng tại khu vực Chùa Hẩm( khu vực trước cồn Mã Đa).
       Từ năm 1965- 1968, giặc Mĩ thua to ở chiến trường Miền Nam, điên cuồng leo thang đánh phá Miền Bắc, chiến tranh mỗi ngày một ác liệt,trường phải sơ tán về khu vực xóm Lý( Hoàng Trì) và khu vực xóm Mía( Hải Phúc). Thời gian này nhà trường do thầy giáo Thiều Đình Nương( Hoằng Thắng) làm hiệu trưởng, mỗi năm nhà trường duy trì được 6 lớp học( mỗi khối 2 lớp).
         Năm học 1968- 1969, vừa là do chiến tranh ác liệt vừa là do học sinh chủ yếu là của 2 xã Hoằng Thắng và Hoằng Lưu nên trường phải sơ tán về đóng trên địa bàn xóm Lọc( Hoàng Trì) do thầy Hoàng Sĩ Luyện làm hiệu trưởng. Mặc dù địa điểm không ổn định, nay chỗ này, mai chỗ khác nhưng trườmg lớp vẫn phát triển với qui mô ngaỳ một lớn( năm học 1968- 1969 nhà trường có 9 lớp, năm học 1969- 1970 có 10 lớp).
        Từ năm học 1970- 1971 do xã Hoằng Lưu có trường cấp 2 nên nhà trường đã chuyển về khu vực cồn Mã Đa và ổn định cho đến ngày nay.
       Có thể nói trong suốt thời gian dài từ khi thành lập đến năm 1975, do tình hình đất nước vừa có hoà bình vừa có chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ, cả dân tộc cùng ra mặt trận chống Mĩ cứu nước, nhà trường gặp nhiều khó khăn. Song được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự góp sức, góp công, góp của của phụ huynh và nhân dân địa phương, sự cố gắng vượt bậc của thầy trò đồng thời học tập gương điển hình tiên tiến của trường Hải Nhân(Tĩnh Gia),trường Bắc Lí(Hà Nam) phong trào thi đua dạy và học của thầy và trò trường cấp 2 Hoằng Thắng vẫn duy trì sôi nổi và đạt kết quả khá tốt.
      Trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ leo thanh bắn phá Miền Bắc, các lớp học mặc dù phải sơ tán nhiều lần để tránh mục tiêu đánh phá của giặc song đội ngũ thầy cô trường cấp 2 Hoằng Thắng vẫn vững vàng cùng với nhân dân và học sinh quyên góp vật tư, làm hầm trú ẩn và hào giao thông cơ động, đắp luỹ đất che chắn lớp học đảm bảo an toàn. Phong trào đội mũ rơm, mang túi cứu thương đi học được thực hiện thành nề nếp trên mọi nẻo đường thôn đường đến lớp học. Đội ngũ thầy cô giáo mang hết tinh thần trách nhiệm để duy trì phong trào thi đua dạy tốt-học tốt. Vì vậy mà chương trình dạy và học vẫn đảm bảo, số lớp, số học sinh được giữ vững..
     Từ năm 1977 cùng với năm tháng, cùng với chiều dài lịch sử, phong trào giáo dục của xã Hoàng Thắng đã phát triển không ngừng về qui mô trường lớp và gặt hái được nhiều thành tích trong phong trào dạy học. Đến năm 1978 để đáp ứng yêu cầu hiện đại của nghành giáo dục trường cấp 2 được sáp nhập với trường cấp 1 thành trường cấp 1-2 Hoằng Thắng còn gọi là trường phổ thông cơ sở do thầy Hoàng Sĩ Luyện( Hoằng Thắng) làm hiệu trưởng.
         Trong suốt thời gian nhập trường có thầy Bùi Văn Vượng, thầy Lê Văn Ư(Quê Hoằng Thắng) làm hiệu trưởng. Trường luôn giữ vững các danh hiệu thi đua: Tổ lao động xã hội chủ nghĩa, tổ tiên tiến cùng với số lớp, số học sinh không ngừng tăng lên. Số học sinh giỏi, số giáo viên giỏi các cấp ngày càng nhiều: Đặc biệt tổ cấp 2 thực sự là tiềm năng vững chắc cho nền giáo dục xã nhà.
       Đến năm 1991-1992 thực hiện luật phổ cập giáo dục tiểu học trường phổ thông cơ sở chia tách thành trường tiểu học và trường THCS. Người đứng đầu nhà trường lúc bấy giờ là thầy Lê Văn Ư.  Năm 1992-1993 thầy Hoàng Văn Tài được đề bạt hiệu trưởng thay cho thầy Ư nghỉ hưu.Trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, trường tiểu học và THCS còn phải chung trường và học 2 ca trên ngày.
        Quán triệt nhiệm vụ  đổi mới của nghành giáo dục và thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ, từ những năm 1995 chính quyền và nhân dân địa phương đã từng bước đầu tư xây dựng cơ bản các nhà trường theo tiêu chí kiên cố hoá trường học.
       Nhà trường đi sâu vào việc nang cao chất lượng toàn diện theo tiêu chí: Đức –Trí _Thể –Mĩ. Với nhiều phong trào thi đua sôi nổi, nhất là phong trào thi đua dạy tốt-học tốt, học tập gương điển hình, xây dựng trường tiên tiến…Đội ngũ thầy cô giáo được chú trọng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Nhiều thầy cô giáo đã đạt giáo viên dạy giỏi cấp  huyện điển hình là cô Hoàng Thị Biểu, cô Lê Thị Huệ, cô Lê Thị Lai  đặc biệt năm học 1996-1997 lần đầu tiên nhà trường có giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh đó là thầy Thiều Đình Tiến…Nhà trường nhiều năm giữ vững danh hiệu tiên tiến xuất sắc cấp Huyện. Thời gian này trường THCS Hoằng Thắng đã có sự tăng đột biến về số lượng học sinh( từ 7 lớp năm học 1992- 1993 lên 17 lớp năm học 1999-2000) khiến cho nhà trường vốn rất khó khăn về cơ sở vật chất lại càng khó khăn hơn. Có những năm trường phải học 3 ca, giáo viên thiếu nhiều nên có những giáo viên phải dạy tới 30 tiết/ tuần. Mặc dù vậy, với sự lãnh đạo của chi bộ Đảng mà bí thư là thầy giáo hiệu trưởng Hoàng Văn Tài, đội ngũ giáo viên với  sự nhiệt tình vốn có và tinh thần trách nhiệm cao đã vượt qua mọi khó khăn đem lại chất lượng giáo dục cho nhà trường năm sau cao hơn năm trước, số lượng giáo viên giỏi, học sinh giỏi ngày một nhiều hơn. Nhiều năm liền trường được công nhận là trường tiên tiến cấp huyện.
       Từ năm học 2001- 2002 đến năm học 2006- 2007 thầy Hoàng Văn Tài được về nghỉ hưu, thầy Thiều Đình Tiến được bổ nhiệm làm hiệu trưởng và hiệu phó là cô Nguyễn Thị Tân và cô Tào Thị Loan với tổng số cán bộ giáo viên, nhân viên mỗi năm từ 38 đến 41 người, học sinh hàng năm dao động trong khoảng từ 600 đến 850 em. Trong những năm học này, để đáp ứng với yêu cầu phát triển của xã hội, mục tiêu của nghành giáo dục là đào tạo con người phát triển toàn diện, Bộ giáo dục & đào tạo có chủ trương thay sách, sửa đổi chương trình sách giáo khoa. Bước đầu làm quen với chương trình mới có nhiều cái bỡ ngỡ, việc dạy học gặp phải không ít những khó khăn, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, với lòng yêu nghề mến trẻ, tập thể cán bộ giáo viên nhà trường đã không ngừng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, tích cực tự học tự bồi dưỡng, tìm tòi học hỏi, tham gia đầy đủ các lớp chuyên đề thay sách, đổi mới phương pháp dạy học, tiếp tục phát huy thành tích và truyền thống của nhà trường. Có thể thấy rằng trong thời gian này bộ mặt nhà trường THCS Hoằng Thắng có nhiều khởi sắc: cơ sở vật chất được đầu tư đáng kể, đời sống tinh thần của cán bộ giáo viên và học sinh cũng được quan tâm đúng mức. chính vì vậy trong công tác dạy học và các hoạt động khác, nhà trường đều gặt hái được kết quả đáng tự hào. Mỗi năm nhà trường có từ 5 đến 8 giáo viên giỏi và chiến sĩ thi đua cấp huyện như: thầy Tiến, cô Huệ, cô Mai Hoa, cô Loan, thầy Mạnh, cô Yến, cô Phương, cô Hương, cô Hường, thầy Đức, thầy Quyết. Phong trào làm đồ dùng dạy học, viết sáng kiến kinh nghiệm được toàn thể giáo viên hưởng ứng và thực hiện đạt kết quả tốt. Bên cạnh sự nỗ lực của cán bộ giáo viên là sự cố gắng rèn luyện đạo đức, học tập chăm chỉ của các em học sinh, số học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh ngày càng tăng, có những em đạt giải cao hoặc đạt nhiều giải trong một năm học; tỉ lệ học sinh khá giỏi đạt từ 35% trở lên; 95% học sinh đạt hạnh kiểm khá tốt; tỉ lệ tốt nghiệp hàng năm đạt từ 99-100%; tỉ lệ học sinh đậu vào THPT hệ công lập ngày càng cao. Từ những thành tích đó nhà trường cũng như các tổ chức đoàn thể đã được chính quyền các cấp, các ngành ghi nhận và tặng giấy khen.
        Theo yêu cầu của nghành giáo dục. Năm học 2006-2007 thầy Lê Xuân Phong  được điều động từ trường THCS Hoằng Phúc về giữ chức hiệu trưởng tại trường THCS Hoằng Thắng thay thầy Thiều Đình Tiến.
       Năm học 2007- 2008 Đảng Uỷ-HĐND-UBND quyết tâm xây dựng trường THCS  đạt chuẩn Quốc gia. Với tinh thần phát huy nội lực, huy động mọi nguồn lực, Năm học 2007- 2008 hoàn thành nhà hiệu bộ. Năm học 2009- 2010 tiếp tục hoàn thành 6 phòng học cao tầng của dự án trái phiếu chính phủ đưa vào sử dụng. Trên nền tảng đã có đủ phòng học, đầu năm học 2010- 2011 được sự quan tâm của UBND Huyện, Phòng GD&ĐT, nhà trường cùng địa phương tiếp tục đầu tư các phòng học chức năng, phòng học bộ môn, phòng thư viện, tôn tạo khuôn viên nhà trường theo tiêu chí xanh, sạch, đẹp.
        Cùng với quyết tâm xây dựng cơ sở vật chất của chính quyền và nhân dân, nhà trường quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục.Trước hết là nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ giáo viên và nhân viên. Đặc biệt nhà trường đã khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên học trên chuẩn. Hiện nay số cán bộ giáo viên nhà trường đảm bảo chuẩn 100% trong đó trên chuẩn là 37%.
       Phong trào thi đua dạy tốt ,học tốt, thực hiện các cuộc vận động của Bộ giáo dục & đào tạo được nhà trường  tổ chức triển khai và thực hiện đạt kết quả tốt . Đến nay nhà trường đã có 13/22 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện 1 giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp Tỉnh.
        Chất lượng học tập và rèn luyện của học sinh có nhiều tiến bộ rõ rệt. Duy trì sĩ số học sinh đạt từ 98%, địa phương được bộ giáo dục công nhận đạt chuẩn phổ cập từ năm 2002.Học sinh lên lớp và tốt nghiệp THCS hằng năm từ 98 đến 100%,tỷ lệ học sinh giỏi, khá tăng dần. Số học sinh yếu kém được giảm thiểu, tỉ lệ học sinh bỏ học hạn chế dưới 1%. Chất lượng học sinh giỏi cấp Huyện, cấp Tỉnh được nâng lên từng bước.Tỉ lệ học sinh đậu lớp 10 ngày càng tăng, không có học sinh thi bị điểm không trong 2 năm gần đây. Kì thi tuyển sinh lớp 10 phổ thông trung học 2010-2011 nhà trường đậu tỉ lệ 87,5%.
        Từ năm 2006-2007 đến năm học 2009-2010 trường có 86 giải học sinh giỏi Huyện; 3 giải học sinh giỏi cấp tỉnh. Nhiều thầy cô có thành tích bồi dưỡng HSG như cô Hoàng Thị Oanh, cô Nguyễn Thị Hương, cô Lê Thị Huệ, thầy Hoàng Văn Hân, thầy Lê Trọng Kiệm, cô Hoàng Thị Nghĩa, cô Nguyễn Thị Lan…vv.
         Năm học 2009 - 2010 nhà trường có 337 học sinh biên chế thành 10 lớp.cán bộ giáo viên gồm 28 đồng chí. Chi bộ nhà trường có 14 đảng viên chiếm tỉ lệ 50%,các tổ chức như công đoàn,đoàn thanh niên,Đội thiếu niên tiền phong Hồ chí Minh,Hội chữ thập đỏ... hoạt động sôi nổi và năng động, bám sát các nội dung và chủ đề giáo dục. Các tổ nhóm chuyên môn tiếp tục đi vào chiều sâu, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kĩ năng nghiệp vụ sư phạm, tập trung đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hoá các hoạt động dạy và học, ứng dụng công nghệ thông tin và thiết bị dạy học có hiệu quả. Ban giám hiệu nhà trường phát huy những ưu thế và kết quả đã đạt được, đổi mới phương pháp quản lí, thúc đẩy chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực hiện cuộc vận động “Hai không”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “ Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”đạt hiệu quả.
       Nhà trường đạt danh hiệu trường tiên tiến đượcSở GD&ĐT tặng giấy khen 3 đồng chí được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Công đoàn được Liên đoàn Lao động Huyện tặng giấy khen.
     Với những kết quả đã đạt được đầu năm học 2010- 2011 nhà trường đã được Phòng GD&ĐT kiểm tra các tiêu chuẩn xây dựng trường chuẩn Quốc gia.
      Tháng 10 năm 2010 trường thành lập ban tự kiểm tra đánh giá các tiêu chí trường chuẩn quốc gia và làm hồ sơ đề nghị các cấp có thẩm quyền kiểm tra ,công nhận trường THCS Hoằng Thắng đạt chuẩn giai đoạn 2001-2010.
       Đầu tháng11 năm học 2010-2011 hội đồng kiểm tra và thẩm định công nhận trường chuẩn quốc gia Tỉnh Thanh Hoá đã tiến hành kiểm tra, thẩm định và đánh giá, kết luận về kết quả xây dựng, thực hiện các tiêu chí về trường chuẩn Quốc gia tại trường THCS Hoằng Thắng.
       Ngày 17/11/2010 chủ tịch UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận trường THCS Hoằng Thắng đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2001-2010.
     Qua gần 50 năm  xây dựng và trưởng thành, với những đổi thay thăng trầm của một ngôi trường ở vùng đất địa linh nhân kiệt, đã có hàng ngàn học sinh từng ngồi dưới mái trường quê hương thân yêu,nay đã là những nhà khoa học, nhà quản lí,nhà sư pham,nhà quân sự,chính trị… đang ngày đêm đóng góp công sức và trí tuệ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước; cũng là niềm vinh dự tự hào cho quê hương,nhà trường, gia đình ,dòng họ Và nhiều học sinh của nhà trường hiện đang giữ các chức vụ chủ chốt của đảng Uỷ chính quyền, các ban nghành đoàn thể địa phương đã và đang đóng góp công sức xây dựng quê hương, nhà trường và sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa vun đắp cho sự nghiệp “ trồng người” của chúng ta..
       Còn không ít những kĩ sư, bác sĩ, các nhà giáo, doanh nhân, công ,nông binh đang ngày đêm hăng say lao động, công tác trên khắp mọi miền đất nước, góp phần xây dựng tổ quốc, quê hương giàu mạnh.
       Những thành quả mà nhà trường đã đạt được hôm nay là kết quả phấn đấu của các thế hệ cán bộ giáo viên,các thế hệ cán bộ Đảng viên,chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các ban nghành đoàn thể, của hội phụ huynh và toàn thể nhân dân xã nhà. Đây cũng là kết quả chỉ đạo sát sao của PhòngGD&ĐT, lãnh đạo UBND Huyện, sự quan tâm của phòng ban UBND Huyện, của Sở GD&ĐT Thanh Hoá, đặc biệt phải nói đến sự phấn đấu không mệt mỏi của các thầy cô giáo qua từng thời kì, của các thế hệ học sinh hôm qua và hôm nay. Công sức ấy thuộc về Đảng và nhân dân.
          Chặng đường gần 50 năm xây dựng và trưởng thành của trường THCS Hoằng Thắng cùng với bao gian khó và niềm tin sắt son, gắn liền với sự trưởng thành và lớn mạnh của Đảng bộ và nhân dân xã Hoằng Thắng nay đã đơm hoa kết trái. Nhưng cũng chưa phải hết những khó khăn trăn trở: chất lượng giáo dục đã được cải thiện song chưa thật ổn định với yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị cần phải có sự đầu tư thích đáng phù hợp với yêu cầu chuẩn mới, sự thiếu đều tay của chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên vẫn đang là nhiệm vụ nặng nề đối với nhà trường trong những năm học tới. Ông cha ta từng nói: sinh con đã khó, nuôi dạy con thành người còn khó hơn. Trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ trước hết thuộc về đội ngũ thầy cô giáo nhà trường hôm nay. Tin tưởng rằng: bằng ý chí vươn lên, sự quan tâm có hiệu quả của Đảng và nhân dân, các thế hệ cán bộ giáo viên và học sinh trường THCS Hoằng Thắng sẽ không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, nhà trường, tiếp tục vươn lên xây dựng ngôi trường thân yêu ngày càng phát triển vững chắc.
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
280949