Bài tuyên truyền về Quy định của pháp luật về hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

Đăng lúc: 16:03:11 26/12/2023 (GMT+7)

Bài tuyên truyền về Quy định của pháp luật về hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

Bài tuyên truyền về Quy định của pháp luật về hành vi

lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

 

​          Kính thưa toàn thể cán bộ và nhân dân xã Hoằng Thắng!

Căn cứ Kế hoạch số 145/KH-UBND ngày 19/8/2023 của UBND Huyện, Kế hoạch số: 61/KH-UBND ngày 19/12/2023 của UBND xã thực hiện xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, thôn, kiểu mẫu,  gắn với nâng cao chất lượng môi trường, gìn giữ cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn trên địa bàn xã, giai đoạn 2023-2025.

Thời gian qua, việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè là tình trạng chung không chỉ riêng địa bàn xã Hoằng Thắng. Tình trạng người dân chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán không chỉ làm mất mỹ quan mà còn là một trong những nguyên nhân gây cản trở, ùn tắc giao thông và nảy sinh nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông đường bộ.

Hiện nay trên vỉa hè, lề đường khắp nơi thường xuyên bị tận dụng thành nơi giữ xe, đặt biển hiệu quảng cáo, để bàn ghế hàng ăn, nước uống, bày bán các loại hàng hóa rau củ, hoa quả, tạp hóa, để các chậu cây cảnh lên trên nắp đậy của rãnh thoát nước; lòng đường trở thành điểm kinh doanh của các xe đẩy, hàng rong và thành nơi đậu đỗ xe của người mua hàng. Chúng ta không thể không nhắc đến sự tiện lợi của việc mua bán trên vỉa hè, lòng đường khi chỉ cần dừng xe ở lề đường là có thể nhanh chóng lựa chọn và mua sắm ngay những nhu yếu phẩm cần thiết. Vì vậy việc buôn bán, kinh doanh ở vỉa hè, lòng đường, nhất là khu vực các chợ tự phát dường như trở thành hình ảnh quen thuộc và việc mua bán ở lòng, lề đường cũng dần trở thành một thói quen ăn sâu vào nếp sống sinh hoạt của người dân.

Việc chiếm dụng vỉa hè, lòng lề đường, đặc biệt gần đây là tình trạng người dân tự ý cơi nới nâng cao lề đường, lòng đường trước sân nhà phần đất nằm trong mốc lộ giới thuộc phạm vi sở hữu hoàn toàn của Nhà nước đã được Nhà nước đền bù giải tỏa cho người dân trước đó. Việc làm này là một trong những nguyên nhân gây nên sự xuống cấp đường giao thông như gây ảnh hưởng hệ thống thoát nước, sụp, lún lộ nhựa do nước mưa dồn hết ra đường đọng lại thành vũng lớn sau mỗi cơn mưa, người tham gia giao thông thường né những vũng nước lớn này nên rất dễ gây ra tai nạn… Ngoài ra, việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để họp chợ còn gây nên ách tắc giao thông, đặc biệt là giờ cao điểm. Việc đậu, đỗ xe dưới lòng đường để mua bán kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, dễ xảy ra tai nạn, nhất là trên các đoạn đường chính. Nhiều trường hợp tai nạn xảy ra do tài xế không thể quan sát biển báo, đèn tín hiệu do bị biển hiệu quảng cáo che khuất, hoặc có trường hợp tai nạn xảy ra do phương tiện giao thông mất lái và va chạm với người bán hàng lấn chiếm vỉa hè.

          Theo nội dung quy định của Nghị định 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho phép sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường không vào mục đích giao thông trong các trường hợp sau:

Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; Tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình; Tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình; Điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội; Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; Điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt; Tuy nhiên, đối với tất cả các trường hợp trên, đều phải đảm bảo yêu cầu là không được gây mất trật tự, an toàn giao thông và đáp ứng một số điều kiện cụ thể khác về thời gian, diện tích hè, lòng đường sử dụng, kết cấu hạ tầng...

          Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính Phủ quy định xử phạt Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định mức phạt đối với các hành vi liên quan đến lấn chiếm vỉa hè, lòng đường như sau:

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân và từ 200.000 đồng - 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau:

Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng; phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ.

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân và từ 600.000 đồng - 800.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau:

Sử dụng, khai thác tạm thời trên đất hành lang an toàn đường bộ vào mục đích canh t          ác nông nghiệp ảnh hưởng đến an toàn công trình đường bộ và an toàn giao thông; Trồng cây trong phạm vi đất dành cho đường bộ làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông; Chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi làm nơi: bày, bán hàng hóa; để vật liệu xây dựng; Họp chợ, mua, bán hàng hóa trong phạm vi đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị; Đổ rác, xả nước ra đường bộ không đúng nơi quy định.

3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau:

Sử dụng đường bộ trái quy định để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; Dựng cổng chào hoặc các vật che chắn khác trái quy định trong phạm vi đất dành cho đường bộ gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Treo băng rôn, biểu ngữ trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ; Đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo trên đất của đường bộ; Chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi làm nơi để xe, trông, giữ xe; Sử dụng trái phép đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị làm nơi sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; Rửa xe, bơm nước mui xe gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau:

Dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình tạm thời khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ; Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo, làm mái che gây cản trở giao thông; Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố dưới 05m2 làm nơi trông, giữ xe; Chiếm dụng phần đường xe chạy hoặc lề đường của đường ngoài đô thị dưới 20m2 làm nơi trông, giữ xe.

5. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau:

Đổ, để trái phép vật liệu, chất phế thải trong phạm vi đất dành cho đường bộ; Tự ý đào, đắp, san, lấp mặt bằng trong: Hành lang an toàn đường bộ, phần đất dọc hai bên đường bộ dùng để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ; Tự ý gắn vào công trình báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của công trình đường bộ; Sử dụng trái phép đất của đường bộ hoặc hành lang an toàn đường bộ làm nơi tập kết hoặc trung chuyển hàng hóa, vật tư, vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng khác; Dựng rạp, lều quán, công trình tạm thời khác trái phép trong khu vực đô thị tại hầm đường bộ, cầu vượt, hầm cho người đi bộ, gầm cầu vượt; Bày, bán máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu xây dựng hoặc sản xuất, gia công hàng hóa trên lòng đường đô thị, hè phố; Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 05m2 đến 10m2 làm nơi trông, giữ xe; Xả nước thải xây dựng từ các công trình ra đường phố; Chiếm dụng phần đường xe chạy hoặc lề đường của đường ngoài đô thị từ 20m2 trở lên làm nơi trông, giữ xe.

6. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 10m2 đến dưới 20m2 làm nơi trông, giữ xe.

7. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:

Các hành vi: Dựng các biển quảng cáo trên phần đất hành lang an toàn đường bộ khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền hoặc trên phần đất dọc theo hai bên đường bộ mà được dùng để bảo trì, quản lý, bảo vệ công trình đường bộ; Chiếm dụng diện tích từ 20m2 trở lên làm nơi trông, giữ xe tại lòng đường.

8. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:  Mở các đường nhánh để đấu nối trái phép vào các đường chính; Chiếm dụng phần đất đường bộ hoặc hành lang an toàn đường bộ với các mục đích xây dựng nhà ở, bán hàng.

Hiện nay Ủy ban nhân dân xã Hoằng Thắng đã ban hành Kế hoạch số: 61/KH-UBND ngày 19/12/2023, Kế hoạch dự kiến được triển khai với các nội dung cơ bản như: Rà soát, thống kê, phân loại các công trình xây dựng, vật kiến trúc vi phạm, lấn chiếm lề đường, vỉa hè, phạm vi đất công do UBND xã đang quản lý, đất sản xuất nông nghiệp nằm trong phạm vi bảo vệ, bảo trì đường bộ hành lang ATGT gây cản trở, ùn tắc giao thông, che khuất tầm nhìn và nguy cơ cao về tai nạn giao thông. UBND xã xác định mô mốc, khối lượng giải tỏa vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè đối với các tuyến Quốc lộ, đường huyện, đường trục xã.

UBND xã chuẩn bị ra quân giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn toàn xã theo với mong muốn thiết lập trật tự kỷ cương, đảm bảo an toàn giao thông, chính quyền địa phương mong muốn người dân đồng tình ủng hộ, thực hiện nghiêm túc các nội dung quy định của pháp luật. Đối với các hộ dân vi phạm đã được nhắc nhở cần tự giác di dời tháo dở trả lại mặt bằng an toàn giao thông đường bộ.

Kính thưa toàn thể nhân dân! Công tác quản lý hành lang ATGT, giải tỏa vi phạm và chống tái lấn chiếm, đảm bảo an toàn giao thông là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và thường xuyên; Nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trên địa bàn. Nghiêm túc chấp hành giải tỏa đảm bảo đường thông, hè thoáng, trật tự, văn minh. Bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài của cả hệ thống chính trị; là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người, của các cấp, các ngành, của mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Người biên soạn            Xác nhận ĐTT                 PHÓ CHỦ TỊCH

         

 

                                                                  

Lê Thị Hương               Thiều Đình Tú                 Hoàng Trung Kiên   

 

  
0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
280949