QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ

Đăng lúc: 15:13:27 26/09/2022 (GMT+7)

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ 

Vùng đất và con người Hoằng Thắng có từ bao giờ thì vẫn là những câu chuyện truyền thuyết, sử sách xưa không ghi chép lại. Tuy nhiên, qua khảo sát các tộc phả thì người đầu tiên đặt chân lên vùng đất này là ông Dương Chấp Nhất nên gọi là Trang Địa Nhất dọc từ Đại Nhuệ - Ngọc Bôi - Hải Án đến Phượng Trì vắt qua kênh Khúc Thủy. Quá trình phù sa bồi đắp, biển cũng lùi xa tạo thành những khu đất mới, dân cư thưa thớt. Đến năm Hưng Long thứ 19 (năm 1311) đời vua Trần Anh Tông[1], dân cư nơi đây mỗi ngày một thêm đông đúc, làng xóm được mở rộng, các dòng họ ở khắp nơi về đây lập nghiệp, khai khẩn đất đai.

Làng Hoàng Trì: Dòng họ Nguyễn Tộc là dòng họ đầu tiên đến đây khai phá ngay từ buổi hoang sơ. Họ Hoàng ở Hoàng Trì có giả thiết cho rằng chính là họ Mạc. Khi họ Mạc bị thất thủ, con cháu họ Mạc phiêu tán, chạy về Hoàng Trì cư trú sau đổi thành họ Hoàng. Khởi tổ của họ Bùi là ông Bùi Doãn Hiệp. Họ Đỗ, họ Thiều cùng với ba họ trên là 5 họ chính có từ lâu đời. Sau đó là 4 dòng họ Nguyễn: Nguyễn Qượn, Nguyễn Chuẩn, Nguyễn Thời, Nguyễn Hạnh từ các nơi đến, cùng với 2 dòng họ Lê kết thành thôn Phượng Trì (nay là Hoàng Trì). Bằng công sức và trí tuệ, họ đã tạo nên những khu dân cư đông đúc, những cánh đồng phì nhiêu, màu mỡ, dựng lên những đền thờ, miếu mạo, sản sinh ra những vị anh hùng để lại tiếng thơm muôn đời cho con cháu.

Làng Hoàng Trì ngày nay là làng nông thôn mới với 560 hộ gia đình, gần 2.000 nhân khẩu. Những năm gần đây, làng đang tích cực thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân. Ngoài ra, nhân dân trong làng còn còn có nghề phụ mộc, nề, làm gạch, mở trang trại chăn nuôi,... đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu/người/năm (năm 2015). Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, diện mạo làng quê đổi mới, góp phần đưa Hoàng Trì phát triển cùng toàn xã.

Làng Hồng Nhuệ: Năm 1407, ông Hồ Cầm, cháu Hồ Quý Ly, đến lập nghiệp lập nên Trại Sộp. Sau đó, ông Hồ Cầm trở về quê cũ, nhường lại cho họ Lê Văn và Nguyễn Quốc. Những năm 1430-1470, họ Lê Đình, Lê Nhân và Lê Danh tiếp tục cấy cư vào, tiếp đến là hai dòng họ Lê Xuân, Nguyễn Khắc. Năm 1608, dòng họ Lê Trọng từ Nghệ An ra, họ Nguyễn Phú từ Bắc Ninh vào sinh sống. Tất cả những dòng họ trên đã kết thành làng Đại Nhuệ, năm 1842, đổi tên thành Hồng Văn xã.

Song song với các dòng họ kết thành làng Đại Nhuệ có những dòng họ khác xen canh, xen cư lập thành làng Ngọc Mỹ, sau này đổi thành làng Nhuệ Bút. Đó là các dòng họ Lê Văn, Nguyễn Ngọc, tiếp theo đó là một nhánh của họ Nguyễn Văn từ Hoàng Trì lên, rồi đến Nguyễn Hữu, Nguyễn Bá. Năm 1842, Ngọc Mỹ đổi thành Nhuệ Bút thôn, Thứ Nhất xã. Các dòng họ hai làng Đại Nhuệ và Ngọc Mỹ tạo thành một quần thể dân cư đông đúc, năm 1996 đổi tên thành Hồng Nhuệ.

“Hồng Nhuệ quê hương đất Lạc Long

Cần cù sáng tạo chí đồng lòng

Dũng mãnh, kiên cường ghi chiến tích

Sức mạnh toàn dân, Đảng tiên phong”

Phát huy truyền thống ông cha, người dân làng Hồng Nhuệ hôm nay luôn đoàn kết, nhất trí, cùng chung tay lao động sản xuất, học tập sáng tạo, góp phần xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp hơn.

Làng Hải Phúc: So với các làng khác thì làng Hải Phúc, vào những năm Bắc thuộc là nơi hoang địa, Hải Phúc tên cũ là Hải Án. Hải Án là cửa một con sông nhỏ ngoằn ngoèo, vào thế kỷ thứ VII, VIII đã có người cư trú. Quan lại phương Bắc sang cai trị nhân dân ta, rồi vơ vét của cải, thấy nơi đây cây cối rậm rạp, lại gần cửa biển, nên thường đem về đây cất giấu. Đến bây giờ nhân dân vẫn còn nhớ câu truyền miệng:

Ao Sen, giếng lấp, gốc cây trôi

Ai lấy được của tôi, ăn mười đời không hết[2].

Đến thời Trần, dân cư ở đây ngày một đông, từ đời này sang đời khác hình thành nên làng Hải Phúc ngày nay.

Trên địa bàn làng xưa kia có các di tích lịch sử như: Nghè Chợ, đền Thượng, miếu Quân Quận, chùa đền, đình Giữa. Ngày nay, các di tích đó không còn nữa nhưng nó đã để lại trong lòng người dân nơi đây những ấn tượng sâu sắc, niềm tự hào về một làng đất không rộng, người không đông nhưng có tới 5 di tích lịch sử.

Cùng với lịch sử đất nước, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc và bảo vệ biên giới, những chàng trai, cô gái của Hải Phúc luôn sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân của mình vì Tổ quốc. Những cống hiến đó đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận trong các Huân, Huy chương kháng chiến, các danh hiệu cao quý cho nhân dân Hải Phúc nói riêng, xã Hoằng Thắng nói chung.

Tháng năm qua đi, đất nước hòa bình, non sông thu về một mối, vùng đất quê xưa ngày càng thay da đổi thịt. Hải Phúc ngày nay có trên 20 dòng họ, như: Bùi, Chu, Đỗ, Lê, Nguyễn, Ngô, Phạm... luôn cùng chung sống gắn bó bên nhau, chung tay xây dựng cuộc sống tươi đẹp hơn.

Làng Gia Hòa: Mỗi làng quê đều mang đậm một dấu ấn lịch sử. Làng Gia Hòa ngày nay, xưa kia có tên gọi là Kim Bôi rồi Ngọc Bôi thuộc xã Thứ Nhất, tổng Hành Vĩ, huyện Cổ Đằng. Từ 5 dòng họ đầu tiên đến đây cư trú, họ đấu tranh chống chọi với thiên nhiên dựng ấp lập làng. Đến nay, làng đã có 30 dòng họ khác nhau đến từ Quảng Xương, Nga Sơn, Vĩnh Lộc, Nghệ An, Nam Hà, Ninh Bình, chung sống bên nhau trong một cộng đồng dân cư, cùng nhau phát huy truyền thống ông cha xây dựng xóm làng ngày thêm giàu đẹp.

Cùng với các làng, địa danh của xã cũng thay đổi qua các thời kỳ lịch sử. Từ đầu thời Trần, xã Hoằng Thắng ngày nay gọi là Thứ Nhất trang và trang Trại Sộp, kéo dài trừ Mỗng Miên đến Bến Cát.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, xã gồm 5 làng là: Hồng Văn, Nhuệ Bút, Kim Bôi (Ngọc Bôi), Hải Án, Phượng Nghi (Phượng Trì), thuộc xã Thứ Nhất, tổng Hành Vỹ, huyện Cổ Đằng, dân số có hơn 2.000 người.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công (đầu năm 1946) đơn vị tổng giải thể, đơn vị hành chính mới được thành lập. Làng Khê Xá (xã Hoằng Lưu ngày nay) được nhập về lấy tên là xã Thắng Lợi.

Năm 1947, toàn huyện chia thành 12 xã lớn, xã Thắng Lợi và Ba Đằng (xã Hoằng Đạo ngày nay) được sáp nhập lấy tên là Hoằng Đạo.

Đầu năm 1954, trước cải cách ruộng đất, Ba Đằng, Khê Xá lại tách ra, còn lại 5 làng: Hồng Văn, Nhuệ Bút, Gia Hòa, Hải Phúc, Hoàng Trì lấy tên là xã Hoằng Thắng. Từ đó cho đến ngày nay, địa giới của xã ổn định.



[1]. Ninh Viết Giao (chủ biên). Địa chí Văn hóa huyện Hoằng Hóa, tr.63, Nxb Khoa học xã hội, 1995.

 

[2]. Địa chí Văn hóa huyện Hoằng Hóa, sđd, tr.58.

 Thực hiện: Hoàng Văn Thận. BT Đoàn xã

0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
280949