KHUYẾN CÁO Của Ban Nông Nghiệp về các biện pháp tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Đăng lúc: 14:43:39 09/02/2024 (GMT+7)

KHUYẾN CÁO Của Ban Nông Nghiệp về các biện pháp tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

UBND XÃ HOẰNG THẮNG

BAN NÔNG NGHIỆP

Số ......../ KC- BNN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hoằng Thắng, ngày 5 tháng 2 năm 2024

 

KHUYẾN CÁO

Của Ban Nông Nghiệp về các biện pháp tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Kính gửi: Các chủ hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trong toàn xã. 

Tiêu độc khử trùng là một biện pháp chủ động để loại trừ mầm bệnh giúp cho người chăn nuôi phòng ngừa được dịch bệnh nguy hiểm. Trong chăn nuôi khi có dịch bệnh xảy ra, con vật bệnh sẽ bài thải các mầm bệnh ra ngoài môi truờng và phát tán trong không khí ra môi trường xung quanh. Mầm bệnh bám vào môi trường chuồng trại xung quanh và khi gặp điều kiện thuận lợi thì xâm nhập vào cơ thể gia súc, gia cầm và gây bệnh cho con vật.

Vì vậy vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi là một biện pháp chủ động để loại trừ mầm bệnh giúp cho người chăn nuôi phòng ngừa dịch bệnh. Ban Nông Nghiệp khuyến cáo để các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm có biện pháp tiêu độc khử trùng phòng chống dịch như sau:

1. Lựa chọn và cách sử dụng thuốc sát trùng

 Chọn sử dụng một trong các loại thuốc sát trùng như: Han iốt, Ben co xít,  Clo ram min, B.K.A...

Các thuốc này đều có tính sát trùng nhanh, mạnh, kéo dài, trong phạm vi rộng và tiêu diệt được hầu hết các loại mầm bệnh.

Có thể phun xịt chuồng trại khi đang có vật nuôi nhưng tránh phun trực tiếp lên cơ thể.

Liều lượng sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

2. Các bước thực hiện tiêu độc sát trùng

Bước 1. Làm sạch chuồng trại

Bước này rất quan trọng có thể giúp loại trừ đến 80% mầm bệnh.

Phun nước chuồng trại trước khi dọn rửa tránh bụi (có thể mang mầm bệnh) bốc lên. Bước này giúp cho việc dọn phân, nước tiểu và các chất hữu cơ sinh học khác được dễ dàng hơn.

Quét dọn thu gom lại tất cả các chất bẩn hữu cơ như: Phân, chất độn chuồng, thức ăn để đốt hoặc chôn.

Dùng bàn chải và vòi phun nước để xịt nước rửa sạch nền, tường bao không để các vũng nước đọng trên bề mặt được sát trùng.

Tất cả các vật dụng, phương tiện trước khi sát trùng phải được làm sạch.

Sau khoảng 1-2 giờ khi bề mặt đã ráo nước, tiến hành phun thuốc cho đều.

Bước 2. Phun thuuốc sát trùng:

Mặc quần áo bảo hộ lao động trước khi phun: Quần áo, găng tay, khẩu trang, ủng…

Đối với chuồng nuôi đang có vật nuôi:

Pha thuốc sát trùng trong bình, phun sương lên toàn bộ trần, vách, tường, không khí, chuồng nuôi để sát trùng.

Đối với sát trùng không khí chuồng nuôi, lượng dùng 1,2 – 1,5 lít dung dịch cho 100 m3 thể tích không khí chuồng nuôi (thể tích chuồng nuôi = dài chuồng x rộng x cao trần).

Đối với chuồng trống, đất xung quanh khu chăn nuôi, phương tiện vận chuyển:

Phun thuốc sát trùng lên toàn bộ bề mặt nền, tường, máng ăn, máng uống, trần, mái chuồng nuôi.

Thuốc sát trùng được phun bảo đảm ướt toàn bộ bề mặt được sát trùng và phun theo chiều từ cao xuống thấp.

Đối với phân, rác, chất độn chuồng

Thu gom toàn bộ phân, rác, chất độn chuồng, thức ăn thừa... đem chôn hoặc đốt. Khi chôn phải rắc vôi, hoặc clo ra min, chôn cách mặt đất ít nhất 0,5 – 1 mét.

Đối với nước uống, bể chứa nước

Tháo hoặc đổ bỏ toàn bộ nước cũ chứa trong bể.

Dùng bàn chải cọ rửa sạch bề mặt bên trong bể, rửa lại bằng nước sạch.

Để khô phun thuốc sát trùng chloramin B với nồng độ 2 – 3% toàn bộ thành bể.

Sau đó ít nhất 30 – 60 phút, rửa lại bằng nước sạch và bơm nước mới vào bể.

Lưu ý: Bất kỳ một loại thuốc sát trùng nào cũng đều có tính độc ít hay nhiều tùy loại đối với người và vật nuôi. Do đó, khi phun xịt, người nuôi nên mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang và tuyệt đối không phun xịt lên trên mình con vật nuôi./.

 

BAN NÔNG NGHIỆP XÃ HOẰNG THẮNG

  
0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
280949