Về việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng vụ Xuân năm 2024

Đăng lúc: 15:45:40 29/03/2024 (GMT+7)

Về việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng vụ Xuân năm 2024

 

   BAN NÔNG NGHIỆP

   XÃ HOẰNG THẮNG

        

KHUYẾN CÁO

Về việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng vụ Xuân năm 2024

 

Kính gửi: - Các đồng chí thôn trưởng

                 - Các nông hộ trong toàn xã

1. Đối với cây lúa.

Hiện nay qua thăm đồng kiểm tra cho thấy cây lúa chóp lá lúa thắt eo, lóng lúa tròn, đã đến giai đoạn bón thúc đòng. Ban nông nghiệp khuyến cáo bà con tiến hành bón thúc lần 2 (bón thúc đòng) như sau:

- Lượng phân đơn bón cho 1 sào 500 m2 : 1 - 1,5kg đạm; 4 - 6 kg kali. Với những ruộng lúa có màu xanh đậm, chân đất sâu trũng bà con chỉ cần bón kali

- Với những ruộng lúa đẻ nhánh kém, cấy muộn chưa đến giai đoạn đứng cái làm đòng, bà con cần thường xuyên thăm đồng khi thấy 10% chóp lá thắt eo, cây lúa tròn mình, lá đứng thì tiến hành bón phân đón đòng ngay.

Ngoài những dưỡng chất cần thiết như N, P, K bà con cần phun thêm phân bón qua lá để bổ sung các nguyên tố trung vi lượng như canxi, silic hoặc sử dụng phân bón NPK chuyên dùng cho cây lúa theo từng giai đoạn giúp cho lá lúa cứng, hạn chế đỗ ngã, hạt mẩy và tăng cường khả năng chống chịu sâu bệnh cho cây lúa.

Lưu ý: Khi bón thúc đảm bảo mực nước trong ruộng từ 3 - 5 cm, giúp cây lúa hấp thu dinh dưỡng tốt, không bón kali vào sáng sơm hoặc ngày có mưa do lá lúa còn ướt phân kali bám trên lá sẽ bị cháy lá lúa.

- Đối với phòng trừ sâu, bệnh:  Thời tiết cómưa ẩm, kèm theo nắng xen kẽ rất dễ làm phát sinh các bệnh đạo ôn, bạc lá. Đặc biệt giai đoạn làm đòng đến trỗ cây lúa rất mẫn cảm với bệnh. Khuyến cáo bà con sau khí bón phân đón đòng xong, tiến hành phun phòng các loại bệnh như đạo ôn, bạc lá bằng 1 trong các loại thuốc như NewTec 300SC, Nativo 750WP, Filia 525SE kết hợp với 1 trong các loại thuốc: Kasumin 2SL, Totan 200WP, Physan 20SL...

- Đối với sâu cuốn lá, sâu đục thân: Hiện nay trưởng thành đã xuất hiện rải rác, bà con cần thăm đồng thường xuyên. Ban nông nghiệp sẽ có thông báo cụ thể thời gian phun sâu.

- Đối với chuột: Thời điểm cây lúa phân hóa đòng nên chuột đã và đang gây hại, cắn đòng, bà con cần tập trung đánh bắt chuột bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học như Rat K2%, Rat - kill 25DP, Rasger 20DP…

2. Đối với cây dưa hấu.

- Đối với trà dưa hấu chuẩn bị làm đất bà con cần chú trọng khâu làm đất. Sau khi rải vôi tiến hành cày, bà con cần bổ sung nấm Tricoderma trộn cùng các loại phân hữu cơ hoai mục như: phân bò, phân dê, phân trùn quế kết hợp bổ sung phân lân, vi sinh rải đều rồi tiến hành lên luống.

        - Đối với trà dưa hấu tập trung ở giai đoạn cây con và ngắt ngọn bổ sung phân bằng hình thức hòa nước tưới gốc bằng các loại phân NPK như 13:13:13, 16:16:16 … theo khuyến cáo nhà sản xuất. Ngoài ra trước khi cây ra hoa và sau khi đã đậu trái xong, bà con cần phun bổ sung phân bón qua lá để cung cấp các nguyên tố vi lượng cho dưa như: canxi, bo, kẽm... nhằm tăng khả năng đậu trái và chống nứt quả, tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh gây hại.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                

- Ngoài ra thời tiết những ngày qua có mưa xen kẽ nắng sẽ không thuận lợi cho sự phát triển cây dưa và khả năng chống chịu sâu bệnh. Bà con phun phòng bệnh lở cổ rễ, sương mai, cho dưa bằng 1 trong các loại thuốc như: AmisTartop 325SC, Rovral 50WP, Daconil 75WP… kết hợp với 1 trong các thuốc Kamsu 2SL, Starner 20WP…

Để công tác phòng trừ bệnh cho các loại cây trồng đạt hiệu quả bà con cần bổ sung nấm Tricoderma theo đường gốc và phun nano bạc, đồng 7 - 10 ngày/ lần

Trên đây là khuyến cáo của ban nông nghiệp về việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây trồng vụ Xuân năm 2024. Rất mong được sự quan tâm của các nông hộ trên toàn xã.

 

 

 

 

BAN NÔNG NGHIỆP XÃ HOẰNG THẮNG

 

  
0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
280949